Tỷ giá xuống thấp, mãi lực yếu, thị trường quốc tế ít sóng... song chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước hiện vẫn nới rộng 1,3 triệu đồng, vượt xa so với kỳ vọng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là 400.000 đồng
Từ sau Tết nguyên đán đến nay, mãi lực thị trường khá yếu. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty PNJ thì sức mua vàng trong dân đã giảm đi khoảng 30% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái. Và hiện nay, tâm lý mua bán vàng của người dân không còn nóng như năm 2011. Thế nhưng, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới hiện vẫn chưa sát lại gần nhau.
|
Mặc dù không còn áp lực lớn về cầu nhưng khoảng cách giữa giá nội và ngoại vẫn trên 1,3 triệu đồng. Ảnh: LC |
Tính đến chiều 18/2, vàng miếng trong nước còn cao hơn thế giới gần 1,3 triệu đồng một lượng khi hầu hết thương hiệu lớn tại TP HCM đều niêm yết bán ra quanh 44,70 triệu đồng, trong khi gíá thế giới đóng cửa tương đương 43,40 triệu đồng.
Lý giải cho hiện tượng này, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC cho rằng, sự chênh lệch từ 1-2 triệu đồng một lượng do giá trong nước chưa liên thông được với thế giới. Ngân hàng Nhà nước không cấp quota nhập khẩu vàng vì sợ nhập siêu tăng, giá vàng quốc tế chỉ để tham khảo chứ chưa liên thông với trong nước. Hiện nay vàng vật chất trong nước có bao nhiêu thì mua qua bán lại bấy nhiêu, còn những lúc giá thế giới ở mức 1.727 USD một ounce thì Việt Nam cũng không thể mua của các nước được.
Ông cho biết, tính đến nay, Công ty SJC đã cung cấp cho thị trường hơn 19,2 triệu lượng vàng, tương đương hơn 700 tấn, khoảng gần 400.000 tỷ đồng. Số vàng này đang nằm trong dân. Vì vậy để bình ổn được giá vàng, Chính phủ phải tính toán lại mức lãi suất vay vàng và trả tiền cho dân như thế nào cho hợp lý, còn cứ duy trì dưới 2% thì khó thu hút họ gửi vàng. Nếu huy động hết số vàng trong dân sẽ có tác động kìm giữ giá USD, hạn chế chảy máu ngoại tệ do nhập lậu vàng từ nước ngoài.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp vàng tại TP HCM cho rằng, ngay cả đơn vị ông, khi đặt giá cao cũng là cân nhắc trên thực tế, đây là giá mà khả năng thị trường quốc tế có biến động.
Bởi sự 'đỏng đảnh" của vàng rất khó lường trước. Nếu các doanh nghiệp bám sát thế giới có thể sẽ bị lỗ khi thị trường có nhiều biến động. Vì thị trường trong và ngoài nước chưa thực sự liên thông nhau nên doanh nghiệp khó trở tay.
Ngoài ra, vị này còn cho rằng, hiện nay giá vàng không chịu áp lực lớn về cầu, nhưng hầu hết các công ty đều có sự tham khảo lẫn nhau về giá. "Thường thì các doanh nghiệp nhỏ như ông hay nhìn những đơn vị lớn để yết giá theo", ông nói.
Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế vốn là thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, hiện nay, với những tiền đề như tỷ giá USD/VND liên tục đi xuống, sức mua bán vàng của người dân cũng "nguội lạnh", giá vàng thế giới lại không có nhiều sóng...thì không có lý do gì để các doanh nghiệp neo giá vàng trong nước ở mức quá cao (cao hơn 1,3 triệu đồng) so với thế giới. "Đây là một điều bất hợp lý", ông nhấn mạnh.
Ông cũng kỳ vọng rằng, trong Nghị định vàng sắp ban hành, vấn đề xác định giá mua bán rất cần phải được công khai minh bạch như, giá mua bán được đưa ra dựa trên công thức nào? Độ vênh giữa mua và bán bao nhiêu thì hợp lý? Khoảng cách giữa giá trong và ngoài nước phải là bao nhiêu?... Ngân hàng Nhà nước cần phải vạch ra những điều này thật cụ thể.
Thanh Lê